Kinh tế Quế_Phong

Nông nghiệp

Là huyện miền núi cao, Quế Phong có 3.785 ha ruộng nước sản xuất hai vụ. Đây chính là cơ sở để huyện Quế Phong xác định ngành nông nghiệp là nền tảng thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, tiến tới xoá đói giảm nghèo. Trước đây, tập quán sản xuất nông dân huyện vẫn dựa vào tự nhiên, làm rẫy và du canh, du cư là chủ yếu. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo ở Quế Phong là khoảng 25%. Vì vậy công cuộc giảm nghèo ở huyện còn đang gặp nhiều gian nan thử thách, GDP đầu người trung bình ở Quế Phong là 627 USD/người/năm.

Lâm nghiệp

Tiềm năng lớn về phát triển kinh tế lâm nghiệp với trên 177 nghìn ha đất lâm nghiệp có rừng, 56.357 ha đất trống, đồi núi trọc, 968 ha đất bằng chưa sử dụng. Phần lớn đất ở đây là đất feralit vàng đỏ nằm ở độ cao 400–800 m. Tầng đất dày, màu mỡ tạo điều kiện hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp dài ngày như: quế, sở, cà phê, chè, mét (luồng). Đặc biệt, rừng Quế Phong có nhiều loại cây gỗ có giá trị cao như đinh, lim, sến, giổi, pơ mu, sa mu... và nhiều loại thú quý hiếm. Vì vậy, lâm nghiệp được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển lâu dài của huyện.

Khoanh nuôi, chăm sóc và bảo vệ rừng. Cây quế được trồng nhiều hơn cả. Do được tập trung khoanh nuôi, chăm sóc và bảo vệ, nên độ che phủ của rừng Quế Phong tăng nhanh, đạt 74,8% vào năm 2009, tăng 14,05% so với năm 1996, trở thành huyện có độ che phủ rừng khá cao trong cả nước. Không những thế, người dân huyện Quế Phong còn biết sản xuất nông - lâm kết hợp theo hướng kinh tế trang trại vườn rừng - vườn nhà, mô hình sản xuất VACR. Đến năm 2004, toàn huyện có trên 150 trang trại lớn nhỏ, bước đầu mang lại hiệu quả khá, nhiều hộ có diện tích trang trại trên 10 ha và cho thu nhập bình quân đạt 10-15 triệu đồng/hộ/năm.

Liên quan